Công nghệ đèn pha ô tô và những điều chưa biết
Hãy thận trọng với đèn giá thành thấp bởi có thể chúng không được sản xuất theo đúng chất lượng hay vị trí dây tóc không chính xác.
Đèn LED (diot chiếu sáng) được xem là công nghệ chiếu sáng hiện đại nhất trong ngành công nghiệp xe hơi.
1. Đèn sợi đốt truyền thống và đèn pha Halogen
Những năm 1940, đèn sợi đốt trở nên phổ biến trong việc chế tạo đèn pha ô tô. Đèn sợi đốt sẽ phát ra ánh sáng khi có dòng điện chạy qua, làm nóng sợi tóc làm từ vonfram. Tuy nhiên, quá trình phát nhiệt trên sẽ tiêu tốn khá nhiều năng lượng và tuổi thọ của đèn cũng bị hạn chế. Do đó, đến đầu những năm 1970, đèn halogen ra đời thay thế cho đèn sợi đốt truyền thống.
Đèn halogen là một loại đèn sợi đốt nhưng ngoài khí trơ, trong bóng có thêm khí thuộc nhóm halogen bao gồm: iốt và brôm. Điều này giúp khắc phục tình trạng bóng đèn pha bị đen do vonfram bốc hơi ở nhiệt độ cao tích tụ trên thành bóng. Đèn pha halogen được đánh giá cao vì công suất và tuổi thọ lớn mà kích thước nhỏ, hiệu suất chiếu sáng cao hơn so với đèn sợi đốt truyền thống. Vì thế, halogen vẫn được ưa chuộng cho đến ngày nay.
Hiện đèn pha halogen là loại đèn phổ biến nhất trong công nghiệp chế tạo xe hơi. Thêm nữa, chúng mang đến cho khách hàng nhiều lựa chọn khác nhau về kích cỡ nên có thể trang bị cho hầu hết các mẫu xe và tạo nên sự đa dạng về diện mạo.
2. Đèn cao áp HID/xenon và Bi-xenon
Tiếp tục mang đến “làn gió” mới cho công nghệ chế tạo đèn pha ô tô trên thế giới là bóng đèn cao áp HID/ xenon. So với đèn halogen thông thường, bóng đèn này có công suất cao hơn khoảng 60%, năng lượng tiêu tốn ít hơn vì không tốn năng lượng để làm nóng dây tóc.
Đèn bi-xenon là đèn xenon với 2 chùm sáng pha và cốt. Loại đèn này không có dây tóc như đèn sợi đốt truyền thống hay halogen mà có 2 bản cực điện được đặt trong khí trơ xenon và được bọc trong bình thủy tinh thạch anh. Khi có nguồn điện chạy qua, hai bản cực này sẽ sinh ra hiện tượng phóng điện do hiệu điện thế cao vào khoảng 25.000 V. Lúc này, tia lửa điện được sinh ra sẽ kích thích các phân tử khí trơ xenon lên mức năng lượng cao. Sau đó, các phân tử khí xenon thực hiện giải phóng năng lượng để trở về trạng thái bình thường và bức xạ ra ánh sáng.
Tuy nguyên lý hoạt động đơn giản nhưng quá trình sản xuất bóng đèn bi-xenon phải tuân thủ nhiều quy tắc nghiêm ngặt. Yêu cầu hàng đầu là khí xenon hoàn toàn tinh khiết, bởi nếu không, bóng đèn sẽ rất dễ phát nổ. Hơn nữa, chi phí cho quá trình tinh chế xenon rất cao nên phần nào hạn chế sự phổ biến của loại đèn pha này.
Bên cạnh những điểm cộng về kỹ thuật, đèn bi-xenon còn hấp dẫn khách hàng ở sự phong phú và đa dạng về màu sắc. Theo các chuyên gia nhiều kinh nghiệm về ô tô, chiếc xe ô tô độ đèn bi-xenon luôn ghi điểm nhờ sự nổi bật và tính thời trang. Hiện nay, trên thị trường, có nhiều công ty đang quảng cáo về bộ kit chuyển đổi đèn HID Xenon hay bi-xenon. Nhiều dự đoán cho rằng toàn bộ xe hơi sẽ sớm được trang bị công nghệ đèn pha ô tô tân tiến này trong tương lai gần.
3. Đèn LED
“Tân binh” trong công nghệ chế tạo đèn ô tô là loại đèn LED. Thực tế, nhiều nhà sản xuất xe hơi đã ứng dụng công nghệ ô tô mới này trong sản xuất với dải đèn chiếu sáng ngày và điển hình nhất là hệ thống đèn của siêu xe Audi R8.
LED (diot chiếu sáng) được xem là công nghệ chiếu sáng hiện đại nhất trong ngành công nghiệp xe hơi. Đèn LED có kích thước nhỏ, hạn chế phát nhiệt, tuổi thọ lâu hơn hẳn so với những đèn dây tóc thông thường. Nhờ ưu điểm này, công nghệ đèn LED đang dần được nhiều hãng xe ưa chuộng.
Đèn LED trắng là sản phẩm từ linh kiện bán dẫn phát ra ánh sáng xanh dương tím (360-470 nm) kích hoạt phốt pho phát ra ánh sáng trắng. Loại đèn này có tuổi thọ lớn hơn 20-100 lần so với đèn neon và hiệu suất phát sáng lên đến cả trăm Watt. Tuy không tỏa nhiệt khi chiếu sáng như halogen nhưng đèn LED lại sản sinh nhiệt lượng ở chân đèn và trở thành mối nguy hại nhất định cho bộ phận liền kề và cáp nối. Đây là yếu tố cần phải lưu ý trong công nghệ chế tạo đèn xe.
4. Lưu ý khi chọn bóng đèn pha ô tô
Đèn LED vẫn còn là công nghệ đèn pha ô tô tương lai, tuy nhiên, những người sở hữu xe chưa được ứng dụng công nghệ mới này có thể tự cải thiện đèn pha của mình. Ô tô đang sử dụng đèn pha bịt kín có thể chuyển sang sử dụng bóng.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại bóng đèn thay thế đa dạng về thương hiệu và kiểu dáng. Vì vậy, dù chọn bóng đèn nào thì khách hàng cũng phải đảm bảo đèn có tem kiểm nghiệm chất lượng. Bóng đèn có chùm màu xanh, tím nhẹ đang được lòng nhiều khách hàng với ánh sáng nằm trong khoảng 5.000-6.000 độ Kelvin. Các chuyên gia tư vấn về chăm sóc và bảo dưỡng xe ô tô cho biết nhiệt độ màu cao hơn không đồng nghĩa với nhiều ánh sáng hơn mà nó chỉ thay đổi màu sắc đèn phát ra.
Hãy thận trọng với đèn giá thành thấp bởi có thể chúng không được sản xuất theo đúng chất lượng hay vị trí dây tóc không chính xác. Đó sẽ là nguyên nhân gây giảm hiệu suất và tuổi thọ của bóng đèn.
Bên cạnh đó, đèn pha ô tô có kiểu chiếu và tập trung ánh sáng khác nhau phụ thuộc vào thấu kính hoặc chóa đèn. Dẫu vậy, trong mọi trường hợp, dây tóc bóng đèn vẫn phải được đảm bảo đặt chính xác nhất vào vị trí để luồng sáng tập trung vào thấu kính hoặc chóa đèn, đảm bảo hướng đúng điểm cần chiếu sáng.
Tóm lại, hãy là người tiêu dùng thông thái trong việc lựa chọn đèn xe ô tô nhằm đảm bảo an toàn mỗi khi cầm lái, đặc biệt là khi trời tối và không kém phần quan trọng là bạn nên biết các cách chăm sóc và bảo dưỡng bộ phận đèn pha ô tô này.
Leave a Reply